Trong bất kỳ một ngành nghề nào, trình độ – hay còn gọi là tay nghề, là yếu tố quyết định phần lớn sự thành công của một người làm nghề. Dĩ nhiên, không thể không tính những yếu tố khác như sự may mắn, ý chí, kỷ luật lao động…
Với một người thợ làm nghề tóc ở Việt Nam, thì sự thiếu sót một trong những yếu tố kể trên cũng sẽ tạo nên rào cản khiến họ khó có cơ hội hội nhập với thị trường và gia nhập đội ngũ thợ làm tóc quốc tế. Tại sao lại có nghịch lý này, trong khi nghề tóc Việt Nam đã có một lực lượng làm nghề đông đảo: lại đã có những người thợ, những nhà tạo mẫu tóc Việt Nam có tiếng, và họ cũng rất tự hào về tay nghề đẳng cấp của mình? Và tại sao Việt Nam có cơ sở để khai thác được thị trường xuất khẩu nhân lực lao động ngành tóc, nhưng lại chưa đáp ứng, hoặc tính chuyện sẽ khai thác được tiềm năng của những thị trường đó?
Tóc Đẹp đã có cuộc trò chuyện cùng nhà tạo mẫu tóc Phan Minh Thảo, Chủ nhiệm câu lạc bộ Tóc Trẻ Việt Nam, Giám đốc kỹ thuật học viện tóc ASK Education Schwarzkopf Professional của tập đoàn Helken tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này. (Nội dung cuộc trò chuyện được đăng năm 2012 tức là khoảng 10 năm trước. Tình hình hiện nay có thể đã thay đổi.)
Q: Được biết, anh là một trong những người đã có tâm huyết và có kinh nghiệm về việc đưa nhân lực lao động ngành tóc ra làm nghề tại thị trường nước ngoài, có thể nói ngắn gọn là đã có thực tiến về xuất khẩu lao động ngành tóc. Anh có thể chia sẻ đôi chút kinh nghiệm của mình?
A: Cách đây khoảng hơn 8 năm, lúc đó tôi đang đảm trách phần tổ chức Giáo vụ của Trung tâm dạy nghề Tầm Nhìn Mới tại Tp Hồ Chí Minh. Một số anh em tại trường có bạn bè là Trường dạy nghề ở Úc đang có nhu cầu tuyển nhiều thợ làm nghề tóc qua Úc làm việc. Chúng tôi liền trực tiếp giới thiệu những thợ tóc có nhu cầu lao động nước ngoài cho bạn bè mình. Trên thực tế thì lúc đó Trung tâm dạy nghề Tầm Nhìn Mới không có chức năng và không xuất khẩu lao động, nên khó có thể nói là chúng tôi đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng nhờ sự việc đó mà thu lượm được không ít bài học. Và một trong những bài học đó là sự… thất bại: Đa số thợ làm tóc Việt Nam sau một thời gian qua Úc làm việc, không đáp ứng được yêu cầu tại thị trường đó, đã phải bỏ cuộc.
Q: Anh có thể cho biết bài học cụ thể về sự thất bại này? Tại sao thợ Việt Nam lại không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế?
A: Có rất nhiều nguyên do, nhưng nguyên do căn bản nhất là thợ làm tóc của ta thiếu… căn bản. Hồi đó, tôi và một số thợ làm tóc có đảm trách việc chủ biên phần ngành nghề tóc trong một giáo trình Dcom của các ngành nghề tự do, do chính phủ Thụy Sĩ tài trợ và phối hợp với chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm mục đích xây dựng một giáo trình chuẩn để giảng dạy và nâng cao chất lượng các ngành nghề. Phần nghề tóc, nội dung được cung cấp chủ yếu từ kinh nghiệm cá nhân của các nhà tạo mẫu, những người thợ làm tóc lâu năm và được xem là nổi tiếng trong nghề cùng với giáo trình quốc tế. Các modul này được chuẩn hóa theo từng bài học từ căn bản đến nâng cao và khi học theo giáo trình qua các modul từ A – Z đó, người học viên sẽ phải mất khoảng 2 năm. Đó là một quá trình học nghề khá lâu, do đó, rồi cũng không ai sử dụng giáo trình này để dạy và cũng chẳng có học viên nào đủ kiên nhẫn theo học. Bởi trên thực tế thì để từ học đến ra làm nghề, mỗi khóa đào tạo chỉ khoảng 4-6 tháng. Một người học 2 năm và một người học 6 tháng, rõ ràng là không thể nói có căn bản như nhau. Thợ làm nghề của ta đều học căn bản trong 4-6 tháng, sau đó nếu có đầu tư mở salon thì tay nghề được nâng trong quá trình lam nghề và theo học các khóa đào tạo của hang mỹ phẩm tổ chức trong ngắn hạn, cũng vẫn không thể gọi là có căn bản một cách chuẩn mực. Chính cái thiếu này khiến người thợ của ta không đáp ứng được thị trường quốc tế!
Q: Điều anh nói hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Người làm nghề ở Việt Nam nói chung, và người làm tóc nói riêng xưa nay có tiếng là thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo, cần cù. Và không ít nhà tạo mẫu tóc cũng khẳng định họ đã và đang hướng tới sự chuyên nghiệp. Có sự phi lý nào ở đây, thưa anh?
A: Đúng, thợ tóc Việt Nam ai cũng khẳng định mình làm việc rất “Pro” (Professional – chuyên nghiệp), nhưng thực tế có mấy ai là “Pro” đâu. Chúng ta vẫn đang quen thói làm việc theo cảm tính. Vì không có căn bản, chỉ muốn học theo từng kiểu tóc cho ngắn hạn, để ra nghề cho nhanh nên mỗi người thợ chỉ biết một vài kiểu tóc, hoặc cập nhật bằng cách bắt chước y hệt những kiểu tóc trên báo chí, internet, catologue… Và cũng chỉ đến vậy thôi. Nhiều người không có căn bản nên không hiểu tại sao lại có kiểu tóc này, kiểu tóc kia , có thể từ kiểu tóc này ứng biến hoặc sáng tạo ra những kiểu tóc nào.v.v Sự thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện trong ứng xử với khách hàng, với đồng nghiệp, trong giờ giấc làm việc… Có quá nhiều điều để chúng ta chưa đạt chuẩn yêu cầu của thị trường quốc tế, trong khi đúng là người Việt nổi tiếng cần cù, chịu khó. Còn về chuyện thông minh và sáng tạo, trong ngành tóc Việt Nam, tôi e là… (bỏ lửng và cười).
Q: Dường như có quá nhiều yêu cầu đối với một nhân lực làm nghề để có thể đáp ứng thị trường lao động nước ngoài. Anh có thể liệt kê những yêu cầu cơ bản nhất?
A: Như tôi nói, yếu tố trước tiên vẫn là đòi hỏi về tay nghề căn bản. Thợ tóc của ta chủ yếu đi học tại tiệm tóc mà ra. Dù bất kỳ chủ tiệm nào cũng khẳng định mình dạy theo giáo trình và rất chuyên nghiệp, nhưng khó tránh yếu tố cảm tính. “Thầy nào trò nấy” chính là câu đáng ứng dụng cho tình huống này. Nhiều học viên ở trong tình trạng “ăn xổi”, chỉ muốn học cho nhanh để ra nghề kiếm tiền, sau đó vừa làm nghề vừa… mày mò tiến. Như vậy, rất thiếu căn bản. Và vì thiếu căn bản nên ta không thể ghi nhận và làm theo những yêu cầu mà chủ salon tóc ở nước ngoài truyền tải.
Thứ hai, thợ tóc của ta không đảm trách công việc từ A – Z. Điều này trái ngược với cung cách làm việc của thợ tóc nước ngoài. Ở ta, nhiều thợ chỉ làm nhiệm vụ cắt, hoặc uốn, hoặc duỗi…, và những công đoạn thì có thợ phụ thực hiện. Trong khi đó, ở nước ngoài, một người thợ khi đảm trách một mái tóc thì sẽ làm từ A – Z. Qua đó, tinh thần trách nhiệm cũng như tay nghề của một người thợ thường xuyên được trau dồi. Điều đó cũng thể hiện thái độ phục vụ khách hàng của người thợ đó, không như ở ta. Do đó thợ tóc của ta qua nước ngoài hầu hết đều không thích nghi được yêu cầu này trong thời gian đầu.
Thứ ba là ngoại ngữ. Thợ tóc của ta nhiều người xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, hoặc không thể học lên cao nữa, nên đi học nghề làm thợ. Không có ngoại ngữ thì làm sao lọt qua được vòng xét tuyển từ phía đối tác, chủ salon nước ngoài? Thậm chí nếu có quen biết và lọt qua, thì khi làm nghề, rất khó để giao tiếp với khách hàng.
Thứ tư, thợ tóc của ta khéo mồm, nhanh miệng, nhưng đó chỉ là giao tiếp với người Việt, còn hầu hết khi ra nước ngoài đều rất thụ động, thiếu tự tin trong giao tiếp. Không trao đổi cởi mở, không độc lập chính kiến… đều là những vấn đề trở ngại khiến thợ tóc khó giao lưu, hòa nhập với những môi trường đòi hỏi sự cởi mở nhất định.
Cuối cùng, là kỷ luật lao động. Ở ta, thợ tóc có thể ngủ dậy lúc 10h sáng, làm việc đến tận khuya tùy hứng và tùy thuộc lịch trình quen thuộc của khách. Cũng có thể trễ hẹn, giờ giấc “cao su”, nhiều khi ứng xử theo kiểu làng xã… Đó đều là những rào cản và là sự khác biệt trong kỷ luật, phong thái lao động của ta so với quốc tế.
Q: Giả dụ tất cả những yếu tố đều có thể khắc phục bằng cách thay đổi phương pháp đào tạo ngay từ đó, tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu được nhân lực ngành tóc ra thị trường quốc tế, thì liệu còn có những trở ngại nào khác hay không?
A: Trở ngại ở vấn đề tổ chức. Theo tôi biết ngoài Trung tâm dạy nghề Tầm Nhìn Mới với việc giới thiệu trực tiếp một số nhân lực lao động qua Úc trước đây, thì cũng có một số địa phương đã xúc tiến công việc này,. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức của chúng ta hiện đang không minh bạch, phần công bố thông tin thiếu rõ ràng dẫn đến hiện tượng tiêu cực. Nhiều thợ không đạt chuẩn vẫn được xét cho đi, dẫn đến tình trạng bị trả về và mất luôn niềm tin của đối tác nước ngoài với người thợ Việt Nam. Lại có hiện tượng nhiều thợ đi ra nước ngoài không phải vì mục đích làm nghề, mà lấy đó làm cơ hội di chuyển và đổi nghề, thậm chí ở lại.
Do đó, nếu nhìn ở góc độ tổ chức, điều quan trọng nhất là sự minh bạch. Khi có nhu cầu xúc tiến lao động ra nước ngoài, các đơn vị tổ chức nên công bố thông tin đại chúng đến các ứng cử. Ai đạt chuẩn thì ứng thí, xét tuyển, thay vì dấu nhẹm thông tin và tiêu cực cá nhân như hiện nay. Nếu làm được như vậy thì chất lượng thợ đầu vào tốt, đưa ra thị trường quốc tế sẽ không bị…xấu hổ. Tôi được biết là thị trường các nước trong khu vực như Malaysia, Úc… đều vẫn có nhu cầu tuyển thợ làm tóc Việt Nam qua làm, nhưng chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ điều này. Rất tiếc!
Ngoài ra, những đơn vị xúc tiến lao động ra nước ngoài cần nằm trong một hệ thống quản lý cụ thể, để bên cạnh việc chuản bị, trang bị cho thợ tóc những yếu tố cần và đủ để có thể hội nhập được, thì cần có sự chuẩn bị và bảo vệ người thợ xuất khẩu lao động ở phương diện luật pháp.
Q: Anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tóc Trẻ Việt Nam, nơi quy tụ những người thợ làm tóc trẻ tuổi, năng động trên mọi miền đất nước. Anh có dự tính sẽ từ tổ chức này, đứng ra khai thác một thị trường lao động mới cho các hội viên?
A: Câu lạc bộ Tóc Trẻ là một sân chơi của các hội viên, những người thợ, chủ tiệm tóc… giao lưu, chia sẻ với nhau. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang dừng lại ở sinh hoạt định kỳ hàng tháng, tham gia tổ chức các hoạt động như ngày giỗ Tổ… và tiến đến phân hóa các tỉnh vùng lân cận sinh hoạt theo từng nhóm, tổ, vận động hội viên tích cực hơn trong các hoạt động từ thiện, và quan trọng nhất là qua các sinh hoạt định kỳ, họ có cơ hội nâng cao tay nghề. Trước mắt, tôi đang có ý tưởng tập hợp những người thợ làm nghề giỏi nhất, lập thành một đội sáng tạo, hàng năm đưa ra những xu hướng tóc mới của Việt Nam. Chúng ta có những người giỏi nhưng chưa thực sự sáng tạo mà chỉ mới đi theo và bắt chước xu hướng của thế giới. Nếu không có sáng tạo thì sự hòa nhập với thị trường quốc tế sẽ rất khó khăn. Muốn đi ra với thế giới thì cái gốc Việt Nam phải bền, phải vững.
Xin cảm ơn anh!
Nguồn:Chuyên đề Tóc Đẹp số 44