Ở Việt Nam nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc thường được truyền lại theo kiểu người đi sau làm theo cách của người đi trước. Tuy nhiên ở Đức muốn trở thành một thợ làm tóc thì người đó cần phải tham gia một khóa đào tạo nghề. Về điểm này thì ở Nhật Bản cũng có yêu cầu giống như vậy.
Khu chợ giao hàng Việt Nam nào cũng có hiệu cắt tóc của người Việt, nhất là Berlin, trong số họ ai là người có bằng cấp làm tóc, ai không? Thật khó biết. Nhưng đấy là trước đây, còn từ nhiều năm nay trong khu giao hàng cũng được kiểm tra gắt gao, không có bằng đào tạo làm tóc sẽ bị phạt nặng và đương nhiên cửa hiệu phải dừng hoạt động. Dù vậy vẫn còn đâu đó các hiệu tóc làm chui, khi có công an liên bộ vào kiểm tra thì đóng cửa bỏ chạy hoặc chịu phạt, việc canh chừng rất mệt mỏi. Để lấy được giấy phép hành nghề không đơn giản vì phải đi học để lấy được bằng mất ba năm. Muốn mở hiệu là 5 năm, thời gian quá dài đúng bằng học đại học rồi thạc sĩ. Trong khi phần nhiều thợ cắt tóc Việt đều đã có tay nghề và tiếng Đức thì không phải ai cũng tốt. Đây là một cản trở trong việc học để lấy bằng.
Tuy nhiên bằng nhiều cách, nếu đã hành nghề trong nước rồi thì phải học lý thuyết và các giờ thực hành rồi thi tay nghề, quy trình dài ngắn còn tuỳ thuộc khả năng từng người. Người Việt bắt đầu từng bước tiến vào nghề làm tóc theo tiêu chuẩn hiện hành. Không chỉ ở các khu giao hàng mà nghề làm tóc đã bắt đầu manh nha phát triển trên toàn nước Đức. Vậy trên con đường đấy có những thuận lợi, khó khăn gì?
Quá trình để hành nghề tóc hợp pháp
Nhiều người nghe nói học nghề làm tóc mất ba năm rồi thêm hai năm nâng cao lấy bằng chuyên nghiệp mới được mở cửa hiệu, họ không tin. Chương trình học nghề của Đức theo dạng “vừa học vừa làm” (Dualsystem) vì thế ngoài lý thuyết, thực hành thường học trong các xí nghiệp, cơ sở có nghề theo học, nghề cắt tóc và thẩm mỹ cũng vậy.
Năm thứ nhất: Trong năm đầu tiên đào tạo, học viên sẽ làm quen với hoạt động của các máy móc và thiết bị. Ngoài ra, người học cũng sẽ được chỉ ra những hóa chất khác nhau được sử dụng để nhuộm tóc và cách sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc đúng cách trên các mẫu tóc đặc biệt, sau đó học cách kiểm tra các kỹ thuật cắt và cách cắt quan trọng nhất.
Năm thứ hai: Sau những kiểu tóc thử nghiệm đầu tiên, học viên có thể chứng minh kỹ năng của mình với những khách hàng phù hợp. Dưới sự giám sát của người hướng dẫn, người học cắt tóc và tư vấn cho khách hàng về tất cả các câu hỏi liên quan đến kiểu tóc của họ.
Năm thứ ba: Trong năm thứ ba đào tạo, người theo học sẽ đào sâu kiến thức và kỹ năng của mình vào các ứng dụng thực tế, từ các kỹ thuật tạo kiểu nhất định đến nhuộm tóc, các phương pháp chăm sóc thẩm mỹ.
Sau thời gian học sẽ phải thi. Khi có bằng rồi mới được đi làm thợ ở các cửa hiệu. Nếu muốn tự mở cửa hàng, con đường tiếp theo là hai năm học để lấy bằng Meister.
Học bằng Meister: Cơ bản của Meister là học nâng cao, từ mẫu thiết kế tóc, mỹ phẩm, trang trí, lập kế hoạch với chi phí cho một tiệm làm tóc, hiểu biết nâng cao về dụng cụ làm tóc, xử lý hoá chất, chẩn đoán, chăm sóc da. Tư vấn khách hàng gồm đánh giá tóc và da, kiểu tóc và trang điểm, màu sắc cùng hình thái. Nắm bắt thành phần của các sản phẩm làm tóc hay nhuộm khác nhau, tiêu chí lựa chọn. Phương pháp lên màu sắc và thay đổi cấu trúc, áp dụng nhiều kỹ thuật cắt đặc biệt. Các phương pháp chăm sóc móng tay, điều trị, các tùy chọn thiết kế móng tay hay những vấn đề thẩm mỹ khác trên khuôn mặt.
Quản lý salon: Mỗi học viên muốn mở tiệm không chỉ cần kỹ năng nghề nghiệp mà còn cần kỹ năng quản lý, hiểu biết về luật lao động, bảo hiểm, tai nạn lao động, y tế và các quy định về môi trường. Về kinh tế: Xác định chi phí hoạt động, tiền lương, dịch vụ và hàng hóa, kế hoạch kinh doanh, ngân sách, quy trình vận hành, quản lý nhân sự. Về tiếp thị, quảng cáo cần hiểu biết hệ thống thông tin và quản lý chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó học viên cần có khái niệm cơ bản về kế toán và kiểm soát, báo cáo tài chính, nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh tế trong doanh nghiệp, căn cứ pháp lý và thuế… Học trong hai năm thì thi để lấy bằng Meister.
Các dịch vụ và thu nhập nghề làm tóc
Thông thường, thợ làm tóc làm việc trong các tiệm làm tóc hoặc khách hàng tại nhà hay di chuyển tự do. Các hoạt động của họ bao gồm nhiều dịch vụ như gội, cắt khô và ướt , sấy khô cũng như cạo râu. Tư vấn cho khách hàng các kiểu tóc và bán thêm các sản phẩm chăm sóc tóc. Ngoài kinh doanh cổ điển, lĩnh vực hoạt động còn rất đa dạng như tư vấn cách chăm sóc tóc. Nhuộm tóc, lông mi, xăm lông mày các kiểu, trang trí hoặc làm tóc giả. Thực hiện nối tóc và làm dày tóc, nối lông mi, làm móng tay và tư vấn, bán mỹ phẩm. Trong những dịp đặc biệt, họ tạo kiểu tóc dạ hội, đám cưới. Các kỹ thuật cắt khác nhau cho các kiểu tóc khác nhau, nhuộm và những bí quyết phức tạp ngoài phổ thông còn tuỳ đào tạo của từng trường cụ thể. Hiện ở Đức cũng có người Việt đào tạo nghề thẩm mỹ liên quan như nối mi, xăm lông mày.
Nghề làm đầu và thẩm mỹ có thu nhập dao động từ 1200 Euro đến rất lớn, tuỳ thuộc bạn làm thợ hay làm chủ và số tiệm bao nhiêu, trong quá trình học nghề cũng đã được trả lương theo từng thời gian học theo quy định chung. Còn người Việt thì sao? Khảo sát sơ qua những người làm nghề này thì thu nhập nói chung tốt. Tất nhiên cũng tuỳ thuộc vào khả năng từng người hay cửa tiệm ra sao, tự làm hay thuê thêm thợ… Riêng người Việt làm nghề này thu nhập khá vì họ khéo tay và chịu khó cũng như biết chiều chuộng khách.
Những khó khăn của nghề tạo mẫu tóc
Nghề nào nghiệp nấy đều có ưu, có khuyết. Thu nhập tốt nhưng nghề này phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, phải hoạt động nhiều, thời gian đứng làm việc rất lâu gây nên bệnh giãn tĩnh mạch. Đặc biệt là cánh tay và bàn tay phải sử dụng đến kéo thường xuyên nên sau một thời gian dài làm việc thì rất nhiều người bị đau ở cánh tay hoặc bàn tay. Đây là những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm thợ. Lời khuyên của bác sĩ là làm việc có nghỉ ngơi đúng thời điểm để các cơ và dây chằng được thư giãn phục hồi chức năng của nó. Ngoài ra việc bảo vệ da và dị ứng với các loại hoá chất cũng cần chú ý hơn, không chỉ cho người làm mà còn bảo vệ khách hàng để tránh hệ lụy về sức khoẻ và pháp lý.
Theo "Du học tại Đức"